Radio Log 7: Bí kíp luyện nghe tiếng Anh hiệu quả

Bạn đã học tiếng Anh được khá lâu. Ngữ pháp của bạn rất tốt và bạn biết cũng khá nhiều từ. Bạn có thể đọc nhiều thứ bằng tiếng Anh và bạn cũng viết rất tốt. Nhưng bạn luôn gặp rắc rối để hiểu những người khác đang nói gì bằng tiếng Anh, bạn chẳng thể nào xem được phim hay các chương trình truyền hình tiếng Anh nếu như không có phụ đề? Đó có phải là bạn không? Nếu bạn đang rơi vào những tình huống như trên, Radio Log thứ 7 của English4ALL hôm nay xin giới thiệu với các bạn một số bí kíp luyện nghe tiếng Anh cực kỳ hiệu quả mà bạn thật không nên bỏ qua. Bí kíp này tạm gọi là bí kíp “Sửa Tai”

 

Các bạn biết không, nếu như bạn gặp phải các vấn đề như mình vừa nói thì cũng đừng quá buồn, vì thực sự bạn không phải là trường hợp cá biệt. Nghe – listening là một kỹ năng chậm tiến bộ nhất. Với đa số người học ngoại ngữ, nghe thường là kỹ năng yếu nhất. Vì nó khó nên yếu là chuyện bình thường, nhưng biết là yếu mà không tìm cách để nâng cao, thì đó lại là chuyện bất thường. Nhưng vì sao kỹ năng nghe lại là yếu nhất?

Để giải thích điều này, có 2 lý do chính:

– Bạn phát âm một từ sai hoàn toàn, nên khi người ta phát âm đúng, bạn chẳng thể nào hiểu được và coi đó như một từ mới, trong khi thực ra bạn đã biết từ lâu rồi.

– Bạn nghe nhầm từ và âm thanh. Tiếng Anh được nói một cách tự nhiên trong đời sống hàng ngày của người Anh là một phức hợp của những từ có và không có trọng âm, những từ nối, các dạng rút gọn và các từ bị lược bớt. Nhiều từ có khi còn không được phát âm một cách đầy đủ và hoàn chỉnh.

Chọn một đoạn audio ngắn phù hợp với trình độ của bạn.

Nếu bạn là trình độ sơ cấp (beginner) hoặc dưới trung cấp (low intermediate), hãy chọn nghe cái gì đó độ dài khoảng 1-2 phút, người học ở trình độ cao hơn nên chọn bài nghe dài hơn, khoảng từ 3-5 phút. Cần phải chắc chắn rằng bạn có vốn từ vựng tương đương với bài nghe để có thể tự kiểm tra được kết quả của mình.

Dưới đây là môt số gợi ý về nguồn tài liệu nghe tham khảo để các bạn lựa chọn sử dụng luyện tập

Beginners

Read Theory
Super Easy Reading
Đây là những website về kỹ năng đọc, nhưng lại có bài nghe cho từng đoạn văn)

Intermediate & Advanced
The English Teacher Melanie Podcast (Giọng Mỹ)
BBC 6-Minute English (Giọng Anh)
BBC Words in the News (Giọng Anh)
ESLPod (Giọng Mỹ)

 

Các bước tiến hành

Bước 1: Nghe toàn bài một lần, không nhìn vào các từ. Hãy thư giãn. Hít thở sâu và đừng hoảng loạn. Điều này rất quan trọng, bởi vì bạn sẽ dễ nghe và dễ hiểu hơn những gì đang nghe nếu như bạn thoải mái và không hoảng loạn.

Bước 2: Nghe toàn bài một lần nữa.

Bước 3: Nghe lại lần thứ 3, nhưng cứ 5s hãy dừng lại một lần, và viết xuống bất kỳ thứ gì bạn đã nghe được trong 5s đó, một từ, một cụm từ, hay bất cứ thứ gì mà bạn nhớ được.

Bước 4: Khi bạn hoàn thành, và nghe lại toàn bài, hãy đọc qua một lượt những ghi chép của bạn đã thực hiện ở bước 3. Nếu bạn không hiểu được từng từ một, cũng không có sao đâu, quan trọng là bạn hiểu được chủ đề mà người nói đang nói tới. Ví dụ, bạn không nghe được từ goal keeper, defender, hay attacker….nhưng chỉ cần ít nhất, bạn hiểu là người ta đang nói về một trận đấu bóng đá, thế là đủ.

Bước 5: Lặp lại bước thứ 3. Kiểm tra lại kết quả ghi chú của mình, sửa chữa lại nếu cần thiết, và thêm được càng nhiều từ càng tốt.

Bước 6: Đọc lại ghi chú từ đầu đến cuối một lần nữa. Hãy cố gắng hoàn thành các câu. Nếu như bạn ghi được 1-2 từ, bạn có thể đoán ra được câu từ những từ đó không? Đây là lúc bạn sử dụng vốn ngữ pháp của mình

Bước 7: Giấu ngay cái ghi chú của bạn đi nhé. Nghe lại một lần nữa, nhưng lần này, hãy dừng lại sau mỗi 10s, và bạn lại ghi chép tiếp những từ chính mà bạn nghe được. Sau đó kiểm tra những gì bạn ghi nhận được so với ghi chú 5s vừa thực hiện.

Bước 8: Nghe lại toàn bài đồng thời đọc thầm các ghi chú của chính bạn.

Bước 9: Đối chiếu các ghi chú của bạn với bản ghi (transcript) của bài nghe và trả lời các câu hỏi

  • Những từ nào bạn đã đúng?
  • Những từ nào gây cho bạn khó khăn khi nghe? (Nói cách khác là không nghe được)
  • Những từ nào đáng lẽ là bạn nghe được (từ bạn đã biết) nhưng lại không nghe ra. Tại sao? Có phải phát âm của bạn sai không? Những từ nào là những từ không được nhấn mạnh trong câu? Nó có liên hệ với những từ đằng trước và đằng sau đó không?
  • Tra từ điển những từ mới mà bạn chưa biết, và đừng quên nhốt chúng đúng cách vào sổ học từ của bạn như English4ALL đã  từng hướng dẫn ở các Ralog trước.

Bước 10: Nghe toàn bài và đọc to bản ghi . Kiểm tra cách phát âm của những từ bạn biết nhưng không nghe được, hoặc không hiểu trong lần nghe trước.

Bước 11. Sau một tuần, quay trở lại bài nghe đó, và nghe lại một lần để kiểm tra bộ nhớ của bạn.

Đặc biệt để trở thành một người nghe tiếng Anh tốt, English4ALL khuyên các bạn nên xây dựng một chiến lược học nghe hiệu quả, kết hợp thường xuyên và đều đặn giữa hearing và listening: nghe và lắng nghe. Hearing là nghe một cách vô thức, nghe tiếng Anh trước khi đi ngủ hay khi bạn thư giãn, rảnh rỗi, hãy để cho đôi tai của bạn tiếp xúc thường xuyên với môi trường tiếng Anh càng nhiều càng tốt, với hearing, nghe chỉ là nghe, đừng quan tâm đến chuyện hiểu, đừng quan tâm đến từ mới. Hãy lựa chọn một bài hát có lời rõ rang, hoặc một cuốn sách nói, một câu chuyện cổ tích hay bất cứ thứ gì bạn thích bằng tiếng Anh. Và mỗi ngày bạn nên dành ít nhất 1h vào khoảng thời gian bạn cảm thấy thoải mái nhất để luyện listening theo như cách đã vừa được giới thiệu, đó là nghe chủ động, nghe để hiểu, nghe có chủ ý và phải tập trung. Listening giống như việc cho đôi tai của bạn đi  tập gym vậy.

GHI CHÚ QUAN TRỌNG NHẤT

Không có gì có thể tiến bộ chỉ sau một đêm, và đặc biệt là kỹ năng nghe của bạn. Không bao giờ có chuyện hôm nay bạn chẳng nghe được gì mấy, đọc bài chia sẻ kinh nghiệm này trên English4ALL, làm theo 1-2 lần và sáng mai ngủ dây bạn thành thánh nghe, cái gì cũng nghe được. Mọi điều thành công trong cuộc sống đều giống nhau ở một điểm: là kết quả của sự kiên trì và không dễ dàng từ bỏ. Hãy luyện tập theo cách trên 3-4 lần một tuần, và cứ thế, cứ thế cho đến một ngày, bạn thấy rằng bạn nên yêu đôi tai của mình hơn trước vì chúng đã nghe hiểu Tiếng Anh hiệu quả hơn trước rất nhiều. Đến khi ấy, hãy viết thư cho English4ALL để chúng mình có cơ hội được chúc mừng bạn nhé.

Xin chào tạm biệt và chúc các bạn một kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vui vẻ.

 

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

How to use a dictionary effectively Làm thế nào để sử dụng từ điển hiệu quả?

Có phải tra từ điển đơn giản chỉ là tra nghĩa của một từ mới? Có phải bất cứ khi nào gặp một từ mới tiếng Anh bạn đều phải dùng ngay từ điển?…..Tất cả những câu hỏi về việc làm thế nào để sử dụng từ điển một cách hiệu quả nhất trong học tiếng Anh sẽ được English4ALL trả lời tại ga Weekend Gossip tuần này. All aboard!

Sử dụng từ điển để làm những gì?

Từ điển là một công cụ rất quan trọng cho bất kỳ ai học một ngôn ngữ mới. Với một cuốn từ điển tốt, bạn có thể:

–       tra cứu nghĩa của một từ tiếng Anh bạn nghe hay thấy ở đâu đó

–       tìm phần dịch nghĩa của một từ tiếng Anh bằng ngôn ngữ của bạn

–       kiểm tra cách phát âm của một từ.

–       kiểm tra dạng thức số nhiều của một danh từ hay dạng quá khứ của động từ

–       tìm thêm các thông tin ngữ pháp của một từ

–       tìm các từ đồng nghĩa, trái nghĩa

–       tìm các từ đi kèm (collocations) của một từ

–       kiểm tra từ loại của một từ

–       tìm các ví dụ về cách sử dụng của một từ

Muốn trở thành một người sử dụng từ điển giỏi, không những bạn phải biết sử dụng từ điển để làm gì, bạn còn phải biết sử dụng từ điển nào là tốt nhất cho những mục đích đã nêu ở trên, có kỹ năng tra cứu nhanh chóng, và đảm bảo rằng bạn tìm được đúng thông tin đang cần tìm, và quan trọng nhất, cần phải biết khi nào thì nên sử dụng từ điển.

 

Sử dụng từ điển nào?

Các phần mềm từ điển điện tử (Electronic dictionaries ) là sự lựa chọn tốt nhất cho người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Hầu hết các từ điển dạng này đều có giải thích, định nghĩa từ dễ hiểu nhất và có các câu ví dụ bằng tiếng Anh. Quan trọng nhất, các từ điển này có chức năng phát âm và dễ mang theo (thậm chí không cần phải mang theo, vẫn có thể tra cứu ở bất kỳ đâu trên thế giới với các từ điển trực tuyến – online dictionary). Một sự lựa chọn rất hoàn hảo mà English4ALL hay sử dụng như từ điển tham khảo chính đó là Longman Dictionary of Contemporary English. Thay vào đó, nếu bạn mở Google và gõ “define: từ tiếng Anh cần tìm” bạn sẽ thu được rất nhiều những định nghĩa khác nhau cho từ đó.

Khi bạn đã có được một trình độ tiếng Anh nhất định, hãy cố gắng sử dụng từ điển đơn ngữ Anh Anh càng nhiều càng tốt.

 

Kỹ năng tra từ nhanh.

Đây là một kỹ năng bạn cần phải luyện tập. Hãy nhờ ai đó viết ra 5 -10 từ mới và xem bạn có thể tìm ra chúng trong bao lâu. Tất nhiên, bạn cần phải nắm vững bảng chữ cái tiếng Anh. Đừng quên sử dụng những từ chỉ dẫn (guide word) ở trên đầu mỗi trang từ điển, cứ luyện tập cho tới khi bạn tìm được bất cứ từ nào chỉ trong vòng 10s. Bạn cũng nên luyện tập như thế với từ điển Anh-Việt.

 

Tìm đúng nghĩa của từ

Khi tra cứu một từ tiếng Anh, bạn sẽ rất hay gặp những từ có nhiều hơn một nghĩa, nếu bạn không chắc nghĩa nào là nghĩa cần tìm, thì đây là những bước bạn cần làm

– Trước hết, đọc lướt qua tất cả các nghĩa và tìm nghĩa hợp lý nhất trong văn cảnh (context) mà bạn tìm thấy từ đang tra. Tuy nhiên, có những từ mà các nghĩa khá giống nhau, và làm bạn vẫn chưa chắc chắc. Nếu vậy, hãy nghĩ đến từ tương đương trong tiếng Việt sau đó tra bằng từ điển song ngữ, nếu một trong những phần dịch nghĩa tiếng Anh là từ bạn đang tra thì có nghĩa là bạn đã tìm được đúng nghĩa.

 

Khi nào nên sử dụng từ điển

Nếu như bạn tra từng từ mới mà bạn bắt gặp trong quá trình nghe hay đọc ở đâu đó, bạn sẽ mất cả ngày với từ điển. Thật không tốt chút nào! Bạn cần phải lựa chọn từ để tra cứu và tra cứu đúng lúc. Dưới đây là những lời khuyên nếu như bạn muốn trở thành một người học hiệu quả.

  • Khi bạn tìm thấy một từ mới trong lúc đọc, đừng dừng lại ngay để tìm trong từ điển, hãy đọc hết câu đó, thậm chí đọc hết một đoạn đó. Nếu đọc xong, mà bạn vẫn chưa đoán được nghĩa của từ đó và xét thấy từ đó khá là quan trọng, không có nó, bạn sẽ không hiểu cả câu hay cả đoạn nói gì, lúc đó sẽ tra từ điển. Nếu bạn muốn tra nhanh trong lúc đọc, hãy dùng từ điển song ngữ Anh Việt, còn nếu bạn tra sau lúc đọc, hãy dung từ điển Anh Anh.
  • Khi bạn nghe thấy một từ mới ở trên lớp, giáo viên viết trên bảng, hãy chờ đợi và nghe tiếp. Những gì mà giáo viên chuẩn bị nói sau đó có thể giúp bạn hiểu được từ. Vậy nên đừng có tra từ điển ngay lúc đó, vì có thể bạn sẽ bỏ lỡ những thông tin quan trọng từ giáo viên. Nếu như bạn nghĩ rằng đó là một từ quan trọng, hãy chép lại hoặc ghi lại cách phát âm để hỏi lại giáo viên và bạn học sau.

Tham khảo thêm



https://www.youtube.com/watch?v=qI4yL9Tj_Ok

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn

Từ điển nào tốt nhất để học tiếng Anh???

Từ điển giống như chiếc cần câu đối với người đi câu cá, là chiếc túi ba gang thần kỳ trong truyện cổ tích….và là một trong những chiếc chìa khóa quyết định sự thành công của mỗi người học tiếng Anh. Khó có ai có thể học tiếng Anh mà không có từ điển, và cũng khó có ai có thể học tốt tiếng Anh nếu như không có một cuốn từ điển TỐT. Thế nhưng như thế nào là một cuốn từ điển Tốt thì quả là một câu trả lời không hề dễ trả lời. Tuy nhiên, hôm nay English4ALL sẽ cùng bạn thử đi tìm câu trả lời ấy. All aboard!

Trước khi cùng English4ALL đi tìm cuốn từ điển tốt nhất cho riêng mình, hãy cùng nhớ lại về một kỉ niệm ấu thơ mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng đi qua

Bạn có nhớ ngày xưa bạn đã tập đi xe đạp như thế nào không?

Từ điển tốt nhất để học tiếng Anh

Bạn luôn bắt đầu với một chiếc xe nhỏ xíu có hai bánh phụ và rồi chuyển sang một chiếc xe đạp vừa trước khi chính thức tự tin đi trên một chiếc xe đạp thực sự. Có phải vậy không?

Và trên con đường học tiếng Anh của bạn bây giờ cũng vậy,  một “chiếc xe đạp” tốt – một cuốn từ điển tốt rất quan trọng , sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, giúp bạn tiến xa trong việc chinh phục ngôn ngữ đầy thú vị này?

Nhưng thế nào là một cuốn từ điển tốt? Đó phải là cuốn từ điển song ngữ Anh Việt đắt tiền?Đó phải là cuốn từ điển dày cộp chứa hàng chục hoặc hàng trăm ngàn từ? Đó phải là một từ điển điện tử bản quyền có đủ các chức năng hiện đại nhất???

Không, cuốn từ điển tốt nhất phải là cuốn từ điển PHÙ HỢP NHẤT trong từng giai đoạn học tập và trình độ tương ứng của bạn;

 

Một cuốn từ điển có thể quá lớn và quá phức tạp so với trình độ của bạn, một cuốn từ điển khác lại quá nhỏ và rất hạn hẹp. Vậy thì từ điển phù hợp nhất phải là cuốn làm cho bạn cảm thấy dễ hiểu nhất.

 

Và dưới đây là những gợi ý của English4ALL cho sự lựa chọn về từ điển của bạn dựa trên kinh nghiệm học tập và sưu tập từ điển của bản thân.

Một lý do khác để mình chọn giới thiệu những cuốn từ điển tốt này bởi vì chúng là những từ điển sẵn có trên mạng và có thể sử dụng MIỄN PHÍ.

1. Nếu trình độ tiếng Anh của bạn chưa quá tốt, một cuốn từ điển Anh – Anh có thể là quá sức. Hãy bắt đầu với một cuốn từ điển song ngữ Anh Việt, nếu trên máy tính và các thiết bị di động, bạn có thể chọn Lạc Việt hoặc từ điển Anh Việt tích hợp trong bộ phần mềm English Study Pro 2012. Nếu bạn vẫn ưa thích sử dụng từ điển giấy, thì cuốn từ điển Anh – Việt của Viện Ngôn ngữ học (bìa như trong hình) là sự lựa chọn hàng đầu, đáng tin cậy nhất.

English-Study-Pro-2012

Dictionary 2

2. Sau đó, bạn có thể chuyển sang sử dụng một từ điển Anh-Anh đơn giản, với những định nghĩa dễ hiểu, rõ ràng đối với bạn. Sự lựa chọn tuyệt hảo nhất trong phân khúc này là Oxford Essential Dictionary.

Oxford Essential Dictionary

Một sự lựa chọn khác cũng rất hấp dẫn đó là Cambridge Learner’s Dictionary. Từ điển trực tuyến này cũng hoàn toàn miễn phí.

Cambridge Learner Dictionary

 

3.Khi mà bạn đã cảm thấy vốn từ của mình đã hơi hơi giàu rồi, thì đừng chần chừ nữa, hãy tiến ngay và luôn lên một cấp độ cao hơn bằng cách chuyển sang sử dụng một cuốn từ điển tiếng Anh dành cho trình độ cao. Một cuốn từ điển dạng này sẽ có thêm định nghĩa và thông tin bổ sung cho từng từ. Bạn sẽ hiểu một từ một cách toàn diện hơn. Và khi đó, sự lựa chọn của bạn sẽ là Cambridge Advanced Learner’s Dictionary hoặc Longman English Dictionary. Cao cấp hơn nữa là MSN Encarta College Dictionary.

Cambridge Advance DictionaryLongman Dictionary

Một sự lựa chọn không thể bỏ qua và đã quá quen thuộc đối với người học tiếng Anh trên toàn thế giới đó là Oxford Advanced Learner’s Dictionary. Cuốn từ điển này có những ví dụ rất dễ hiểu với nhiều câu ví dụ khác nhau.

Oxford Advanced Learner Dictionary

4. Đến một ngày nào đó, từ vựng tiếng Anh của bạn đã lên đến đẳng cấp “đại gia” sau khi bạn đã dùng qua tất cả các từ điển đã nêu ở trên, mà bạn vẫn cần một cuốn từ điển mới “siêu khủng” để phục vụ cho đam mê khám phá tiếng Anh của bạn, hãy tìm đến Merriam-Webster’s Online Dictionary. Nhưng nhớ rằng, một khi đã sử dụng đến Merriam-Webster’s, từ vựng của bạn đã phải thực sự rất giàu có và vững vàng nhé.

Merriam-Webster

Hi vọng các bạn sẽ lựa chọn được một cuốn từ điển thích hợp nhất cho trình độ của mình và giúp bạn học tiếng Anh tốt hơn.

Tuần sau, English4ALL sẽ cùng các bạn trao đổi thêm về cách thể nào để sử dụng từ điển cho hiệu quả.

 

Link phiên bản Online free của các từ điển được giới thiệu trong bài.

Cambridge Dictionary

Oxford Dictionary

Longman Dictionary

Merriam- Webster

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

Discussion for WEEKEND GOSSIPS.

Would you like to join our Weekend Gossip by answering the following questions in your comment below?
1. What kind of dictionary do you use in studying English? Tell me.
2. Are you satisfied with your current dictionary?
3. What do you think about an ideal dictionary?
4. In your opinion, what is the best dictionary? Why.

Radio Log 5: Các chiến thuật học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Chào các bạn, học từ vựng luôn luôn là một thách thức to lớn đối với bất kỳ ai muốn học một ngôn ngữ mới, và hôm nay English4ALL sẽ cùng chia sẻ với các bạn về những chiến thuật học từ vựng tiếng Anh hiệu quả.

Như đã nói ở radio log tuần trước, từ vựng và kỹ năng sử dụng từ là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong học tập một ngoại ngữ. Nhiều khi có thể bạn phát âm rất chuẩn, nói rất trôi chảy nhưng vì vốn từ yếu cũng làm cho bạn trở nên kém tự tin khi sử dụng tiếng Anh. Các bạn có biết vì sao người ta lại gọi là vốn từ không? Mọi từ ngữ đều có ngụ ý riêng. Gọi là Vốn từ bởi vì từ vựng là một loại vốn, có điều loại vốn này không thể huy động, vay mượn được mà chỉ có thể có được thông qua quá trình tự tích luỹ dài lâu. Và mình tin rằng, rất nhiều người Việt học tiếng Anh gặp vấn đề rắc rối trong tích luỹ vốn từ. Tích luỹ thế nào để trong thời gian ngắn nhất có thể nắm vững và sử dụng thành thạo một số lượng lớn từ trong tiếng Anh là một câu hỏi cực kỳ quan trọng mà một người muốn học tiếng Anh hiệu quả cần phải trả lời được.

Trước khi nói về các chiến thuật cụ thể để học từ, chúng ta cần phải biết:

Thế nào là học một từ?

Rất nhiều người học tiếng Anh ở Vietnam đơn giản chi nghĩ rằng học một từ là biết cách đọc, cách viết, và biết nghĩa của từ là đủ. Tuy nhiên, mặc dù đó là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, một từ luôn chứa đựng nhiều hơn thế. Nắm được cái vỏ âm thanh hay nghĩa của một từ làm cho ta có cảm giác từ đó đã thuộc về mình, nhưng không phải, đó chỉ là một cảm giác chớp nhoáng, sẽ nhanh chóng qua đi. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, để thực sự làm chủ được một từ và bắt nó phục vụ tốt cho nhu cầu giao tiếp và làm việc, chúng ta cần phải nắm được tối thiểu những yếu tố sau đây khi học một từ mới tiếng Anh: Vỏ âm thanh (cách phát âm- đặc biệt là trọng âm)- Ngữ nghĩa (ý nghĩa của từ) – Mối liên hệ của từ với các từ khác – Cách sử dụng từ trong những ngữ cảnh khác nhau. Chúng ta không thể chọn cách học phát âm và nghĩa trước, sau đó khi trình độ cao hơn sẽ quay lại học các yếu tố khác nhau, như vậy rất mất thời gian và kém hiệu quả, vì vậy, ngay từ đầu nếu có thể, chúng ta nên học đồng thời các yếu tố nói trên ngay từ khi bắt đầu.

Các chiến thuât học từ

 

Chiến thuật 1: Xây dựng sổ học từ

Đây là cách học từ truyền thống nhất nhưng vẫn phát huy hiệu quả cao nếu như bạn biết sử dụng đúng cách. Có một cuốn sổ học từ nhỏ nhỏ có thể bỏ túi để ghi chép lại những từ mới bạn bắt gặp hàng ngày, để rồi sau đó bắt cứ khi nào rảnh rỗi bạn bỏ ra nhẩm lại và cố gắng ứng dụng là một chiến thuật tuy cổ xưa nhưng vô cùng lợi hại. Bởi lẽ chỉ có bạn mới là người biết cách ghi chép như thế nào để chính bạn cảm thấy dễ hiểu nhất. Hơn nữa, việc đọc đi đọc lại cuốn sổ nhỏ bé đó thường xuyên làm bạn giao tiếp thường xuyên hơn với từ mới học, do đó sẽ ghi nhớ nhanh hơn và tốt hơn. Tuy nhiên, ghi chép những gì và ghi chép thế nào trong cuốn sổ đó là một điều rất quan trọng. Mỗi người một cách ghi chép tuy nhiên theo mình thì dù bạn ghi chép kiểu gì thì thông tin về một từ ngoài ngữ nghĩa, còn phải đảm bảo có: từ loại (n-v-adj???), cách phát âm chuẩn (luôn phải có trọng âm), có ví dụ (luôn đặt một từ trong một cụm từ hay một câu cụ thể), có dấu hiệu ấn tượng riêng để ghi nhớ (có thể là một hình hoạ tự vẽ hay một thông tin riêng tư mà chỉ mình bạn biết), ở trình độ cao cấp hơn, bạn còn nên chú thích là từ mới đó tương đương hay trái nghĩa với một từ nào đó mà bạn đã biết, và một số từ khác hay đi kèm với từ đó. Hãy cất cuốn sổ đó trong túi và luôn mang theo bên mình, hãy mở ra và nhẩm đọc thành tiếng mỗi ngày, luyện tập đặt câu với những từ đã học…..bằng cách này sẽ không lo không làm chủ được từ vựng tiếng Anh.

 

Chiến thuật 2: Nuôi lợn từ vựng

Saving Pig

Chiến thuật này mình chưa từng nghe nói có ai sử dụng ngoài mình, và mình cho rằng đây là một chiến thuật học từ khá lạ và kì cục mà chắc chỉ có mình ứng dụng để tích luỹ từ mới tiếng Anh. Đó là mình có nuôi một con lợn đất, cuối mỗi ngày, mình sẽ chép từng từ đã học được trong ngày từ sổ tay từ vựng ra những mẩu giấy nhỏ, sau đó bỏ vào lợn. Sau đó 6 tháng hay 1 năm, lợn sẽ được đập ra để kiểm tra: mỗi một từ trong các mẩu giấy nếu như trong 5-10s mình có thể phát âm chính xác, nói được nghĩa, và đặt được câu ví dụ với từ đó tức là từ đó được tính đã thuộc về mình. Bằng cách này, bạn sẽ biết được chính xác trong một năm bạn đã học và ghi nhớ để sử dụng bao nhiêu từ. Đồng thời bạn sẽ được khích lệ bởi cảm giác như nuôi lợn tiết kiệm và được thu hoạch thành quả. Chỉ cần mỗi ngày bạn cho lợn ăn 5-10 mẩu giấy nhỏ như thế, thì chỉ cần nuôi vài “con lợn”, bạn sẽ có một vốn từ đủ tự tin trong giao tiếp.

Chiến thuật 3: Học quPost ita post-it/sticker

Cách học này đơn giản và hiệu quả nhưng hạn chế là bạn chỉ học được ở nhà hoặc ở chỗ làm của mình. Hãy liệt kê mỗi 5-10 từ mới mỗi ngày lên một ghi chú nhỏ và dán nó lên trước bàn làm việc của bạn hay bất kỳ chỗ nào mà bạn thường xuyên lui tới trong ngày: có thể là ở trên tấm gương trong nhà vệ sinh, trên cửa tủ lạnh. Tiếp xúc thường xuyên và liên tục với từ cần học là nguyên tắc nhất quán trong mọi chiến thuật học từ. Cuối ngày, hãy thu những sticky notes đó lại và để vào một chỗ và thay bằng những tấm mới, để cuối tuần hay cách vài ba ngày kiểm tra lại bạn đã nắm vững được bao nhiêu %  trong số những từ đã học.

 

Chiến thuật 4: Học nguồn gốc từ

Chiến thuật này là một cách học cao cấp dành cho người đã có trình độ tiếng Anh nhất định. Chiến thuật này là điều chuyên mục về câu chuyện của từ tháng 2 hàng tuần trên English4ALL đang thực hiện. Nắm bắt được nguồn gốc của một từ giúp các bạn hiểu rõ, hiểu sâu từ đó hơn bao giờ hết. Đây là một cách học khá thú vị vì bạn sẽ được học các từ qua những câu chuyện kể sinh động, từ đó ghi nhớ lâu hơn và sâu hơn.

 

Chiến thuật 5: Học gốc từ và collocation

Mỗi một từ bao giờ cũng xuất phát từ một gốc từ nào đó, ví dụ như từ publishing chắc chắn có liên quan đến động từ publish và danh từ publisher……Và nếu tìm hiểu sâu thêm nữa, bạn sẽ nhận ra những quy tắc nho nhỏ kiểu như, những động từ mà tận cùng bằng ish sẽ luôn có dạng danh từ tận cùng là –ment. Tin không?

Thật đấy, thử nhé: punish – punishment, accompanish- accompanishment, refurbish- refurbishment.

Tương tự như vậy việc học collocation – các từ thường đi kèm cũng rất quan trọng. Collocation thường không có quy tắc chung và thường bạn sẽ phải nhớ. Ví dụ người ta thường chỉ nói a handsome man chứ không ai nói a handsome woman cả, vậy tính từ handsome sẽ là một dạng collocation của danh từ man.

Nếu bỏ công học collocation dần dần bạn có thể nói và viết được những câu dài hơn và chuẩn mực hơn, điều này đặc biệt quan trọng nếu như các bạn đang chuẩn bị cho những kỳ thi tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEFL.Collocation Example 1 Collocation example 2

flashcard

Chiến thuật 6: Học qua thẻ từ và Flash Card

Học từ mới qua thẻ từ và dạng hiện đại hơn của thẻ từ là Flash Card trên các thiết bị kỹ thuật số như smartphone và tablet là cách học cực kỳ hiệu quả mà người Anh bản xứ hay sử dụng để dạy từ mới cho con cái họ khi còn nhỏ hoặc học tập một ngôn ngữ mới. Đơn giản là bạn cần chuẩn bị một tập thẻ cứng, kiểu như quân bài, một mặt viết từ cần học, mặt bên kia viết nghĩa, cách phát âm và các chú thích khác, cũng có khi là một hình vẽ. Khi học, chúng ta sẽ lướt qua thật nhanh các tấm thẻ, đọc to từ đó lên và nói nghĩa của từ và đặt ngay một câu với từ đó; hoặc cũng có thể làm ngược lại, đó là dựa vào nghĩa và các ghi chú phía sau để đoán xem từ đó là từ nào. Cách học này vừa rèn luyện phản xạ từ vừa nhớ lâu.

Với flash card – dạng thẻ học từ ứng dụng công nghệ thì tính năng còn mạnh mẽ hơn, bởi vì trên flash card có sẵn các bộ sưu tập từ đi kèm với phát âm, ví dụ và hình minh hoạ. Nếu các bạn đang sử dụng các thiết bị iOS như iPhone – iPad các bạn có thể download miễn phí ứng dụng My wordbook của British Council – Hội đồng Anh để trải nghiệm cách học vô cùng hấp dẫn này. Với thẻ học từ hay flash card, các bạn có thể tự kiểm tra, hoặc nhờ bạn học kiểm tra chéo lẫn nhau. Đôi khi chiến thuật này giúp các bạn có cảm giác như chơi một trò chơi thú vị hơn là một giờ học.

Chiến thuật 7: Học theo chủ điểm – Sử dụng Word Map.

Việc hệ thống hoá lại các từ thuộc cùng một chủ điểm sẽ giúp các bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian khi huy động từ vựng để viết một bài luận hay chuẩn bị một bài hùng biện. Và cách mình hay sử dụng, đó là vẽ cách Word Map hay Mind Map như trong hình vẽ dưới đây. Các bạn cũng có thể tham khảo cách tạo ra một Mind Map như thế nào ở hình phía dưới.

 Mind map

How to creat a mind map

Các chiến thuật học từ thì có nhiều nhưng trong Ralog này mình chỉ xin chia sẻ 7 chiến thuật mà mình đã sử dụng và thấy rằng hiệu quả và phù hợp với số đông người học. Các bạn có thể áp dụng một hay nhiều chiến thuật cùng một lúc để đạt được hiệu quả, nhưng dù theo đuổi bất kỳ một chiến thuật học từ nào, bạn phải luôn ghi nhớ hai nguyên tắc tiên quyết đó là: tính kiên trì và tính hệ thống.

Vì sao cần phải kiên trì, bởi vì tích luỹ từ vựng đòi hỏi một quá trình dài lâu, liên tục và không ngưng nghỉ, bạn không thể tích luỹ vài ngàn hay vài chục ngàn từ chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, từ vựng cũng giống như cá ở dưới biển, học một từ mới cũng giống như bạn bắt cá và thả trong trí nhớ của mình, chỉ có một cách duy nhất để giữ cho những “chú cá” đó luôn luôn tươi sống đó là sử dụng, sử dụng, và sử dụng. Vì đã là “cá” thì phải bơi, bơi mạnh mẽ trong môi trường giao tiếp, vậy mới là cá, còn cá mà nằm yên một chỗ, e rằng chỉ còn là cá rán.

Vì sao cần phải học có hệ thống, bởi vì từ vựng không phải là một đơn vị riêng lẻ và rời rạc, chúng có sự liên hệ và gắn bó mật thiết với nhau. Từ vựng cũng giống như tính cách con người, bạn chỉ có thể hiểu rõ một tính cách khi đặt trong những mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội. Do đó, hãy chú trọng việc học một nhóm từ, cụm từ hơn là học riêng rẽ từng từ.

Từ ngữ cũng có đời sống của nó. Khi bạn nói ra một từ, nghe thấy một từ, đọc và viết được một từ tức là nó đang sống, đang vui chơi chạy nhảy trong giao tiếp. Khi bạn nhớ được một từ, nhưng ít sử dụng, tức là nó đang ngủ. Và quan trọng nhất, nếu bạn để những từ bạn biết “ngủ” quá lâu, nó sẽ không còn thuộc về bạn nữa. Khi mình dạy học, có một câu chuyện vui như thế này, mình nói “Nếu các bạn gọi tên một thứ gì đó 10 lần mỗi ngày, thứ đó sẽ thuộc về bạn mãi mãi.”, và ngay lập tức ở dưới có một cô học sinh lẩm bẩm “Long-Long-Long- Long……”, hoá ra là bạn trai của cô bé tên là Long. Qua đó, mới thấy rằng, tích luỹ từ là một việc tuy khó khăn nhưng lại là phần hấp dẫn nhất trong học một ngôn ngữ mới và luôn tràn đầy những thách thức thú vị. Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và sẽ áp dụng tốt những chiến thuật học từ mà mình chia sẻ dưới đây để vốn từ của các bạn sẽ ngày một giàu có hơn.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về www.english4all.vn