What should I do or not do when I am eating in Britain? Phép tắc trong ăn uống của người Anh (Eating Etiquette)

Học một ngôn ngữ không chỉ là học vài câu nói “Hello, How are you?… mà thực sự là cần phải thu nhận cả một nền văn hoá mới, là “học ăn, học nói, học gói, học mở” như người Việt chúng ta thường nói. Nếu một ngày bạn có mặt ở Anh hoặc dùng bữa với người Anh, bạn có cảm thấy tự tin với phong cách ăn uống của mình không? “Nhập gia” phải “tuỳ tục”, và hôm nay chuyến tàu English4ALL tới ga British Way xin giới thiệu với các bạn một số “tục” về phép tắc khi ăn uống của người Anh (British Eating Etiquette), hi vọng sẽ giúp các bạn thêm phần hiểu biết và luôn luôn tự tin “nhập gia” thành công trong bữa tối với người Anh. All aboard!

 

Những điều bạn nên làm (Should-do)

Người Anh thường rất chú ý tới phong cách ăn uống tại bàn ăn (table manners). Thậm chí ngay cả trẻ em cũng được dạy để ăn sao cho đúng cách với dao và dĩa (knife and fork). Hầu hết đồ ăn đều sử dụng dao dĩa, ngoại trừ bánh sandwich, khoai tây chiên giòn (crisps), bắp ngô (corn on the cob) và trái cây.

Nếu bạn không thể ăn được một loại thức ăn nào đó hay có nhu cầu gì đó đặc biệt (special needs), hãy thông báo cho người chủ nhà/người tổ chức bữa tiệc trước vài ngày.

Nếu bạn là khách, phép lịch sự là chờ đợi chủ nhà bắt đầu ăn trước hoặc ra hiệu cho bạn bắt đầu ăn. Điều này thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà.

Luôn phải nhai (chew) và nuốt (swallow) tất cả đồ ăn trong miệng trước khi lấy thêm đồ ăn hay đồ uống.

Luôn nói “Thank you” khi được phục vụ (được đưa thêm đồ ăn hay nước uống) để thể hiện sự trân trọng (appreciation)

Bạn có thể ăn gà, bánh pizza bằng tay nếu như bạn ở trong một buổi tiệc nướng, hay tiệc đứng, hay trong những bối cảnh thân mật. Những trường hợp khác, luôn cần phải sử dụng dao và dĩa.

Khi ăn bánh mỳ nhỏ (roll – loại bánh mỳ nhỏ hay dùng để ăn sáng), cần phải cắt nhỏ bánh mỳ trước khi phết bơ (buttering).

Khi dùng bữa trong những bối cảnh trang trọng, thường bạn nên lấy bơ từ đĩa bơ với dao cắt bánh mỳ (bread knife) và để cạnh đĩa của mình. Sau đó mới phết bơ lên bánh mỳ từ miếng bơ này, để tránh cho miếng bơ chung bị dính đầy vụn bánh mỳ (bread crumbs)

Ở nhà hàng, thường bạn sẽ trả tiền bằng cách đặt tiền lên đĩa đựng hoá đơn (bill) được người phục vụ mang tới.

 

……..và những điều không nên (Shouldn’t-do)

Không được liếm và cho dao ăn vào miệng.

Sẽ là bất lịch sự nếu như bắt đầu ăn trước khi những người khác được phục vụ đồ ăn, trừ khi người chủ nhà/chủ tiệc nói rằng bạn không cần phải đợi.

Không bao giờ được nhai mà mở miệng, và không nên tạo ra âm thanh khi nhai, nuốt đồ ăn.

Để khuỷu tay (elbow) lên bàn trong khi đang ăn cũng bị coi là bất lịch sự.

Không được với người sang đĩa của ai đó để lấy cái gì, hãy đề nghị người ta truyền thứ đó sang cho bạn

Không nên nói chuyện khi thức ăn còn trong miệng.

Cũng không nên giữ quá nhiều đồ ăn trong miệng.

Không sử dụng các ngón tay để bốc đồ ăn vào thìa hay dĩa.

Rất bất lịch sự nếu nhai nhóp nhép (slurp) hay gây tiếng ồn khi ăn.

Không được phép xì mũi vào khăn ăn (napkip/serviette). Khăn ăn/giấy ăn chỉ dành để lau nhẹ, chấm nhẹ (dabbing) lên môi (lips) và chỉ dành vào việc đó.

Không được lấy thức ăn từ đĩa của người bên cạnh

Không được lấy móng tay lấy thức ăn bị dắt trong kẽ răng.

 

Những điều được phép làm (OK to Do)

Bạn có thể tự rót đồ uống cho mình khi ăn cùng người khác, nhưng nếu lịch sự hơn thì nên đề nghị rót cho những người ngồi đối diện bạn trong bàn ăn.

Bạn có thể cho sữa và đường vào trà hay cà phê hoặc uống mà không cần cả hai thứ trên.

Nếu bạn không quen với việc sử dụng dao và dĩa?

Khi ăn tối theo kiểu Âu (continental style), dao sẽ được cầm phía bên phải, và dĩa cầm tay trái (sẽ là ngược lại nếu bạn là người tay chiêu). Phía trên của đĩa, sẽ là thìa và dĩa dành cho món tráng miệng (dessert spoon and fork)

Nếu bạn tới dự một bữa tối trang trọng (formal dinner party), bạn sẽ bắt gặp rất nhiều các loại thìa dĩa khác nhau. Phải làm thế nào bây giờ? Hãy làm quen với chúng và sử dụng cho đúng nhé.

Table manner

Trong trường hợp như có vẻ bạn sẽ không thể nào ăn hết phần đồ ăn của mình vì quá nhiều.

Hãy nói:

“I’m sorry, but it seems that ‘my eyes are bigger than my stomach’.

(Tôi xin lỗi, nhưng có vẻ tôi no cái bụng đói con mắt)

Hoặc

“I’m sorry. It was so delicious but I am full”.

(Tôi xin lỗi. Đồ ăn ngon quá nhưng tôi no mất rồi)

 

Dao và dĩa (Story of Knife and fork)

Dĩa được được dùng bằng tay trái và dao bằng tay phải.

Fork, knife and steak.

Nếu bạn cầm dao bằng một tay, thì tay kia cầm dĩa không được hướng phần nanh (tines) lên trên.

Giữ dao với phần tay cầm trong long bàn tay (palm) và dĩa ở tay kia với phần chĩa hướng xuống dưới.

Khi dùng bữa ở những bối cảnh trang trọng, có thể đặt dao và dĩa xuống khi đang ăn, hoặc khi nghỉ để trò chuyện.

Khi bạn đặt dao xuống, bạn có thể đổi tay cầm dĩa sang tay phải.

Khi bạn đã dùng bữa xong, để cho những người khác biết, bạn đặt dao và dĩa cùng với nhau lên đĩa, với răng dĩa (prongs) hướng lên trên.

Cutlery Finished

Khi bạn chỉ dùng dĩa, nên cầm dĩa kẹp giữa ngón trỏ (index finger) và ngón cái (thumb).

 

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

 

 

 

 

 

Quan trọng nhất là không làm phiên lòng chủ nhà.

Do you study at a private school or public school? Nope, I study at a grammar school. Tìm hiểu hệ thống trường học phổ thông tại Anh (UK School System)

Trước thềm mỗi năm học mới, đặc biệt là khi chuyển cấp, các em học sinh ở Vietnam thường phải chịu một áp lực rất lớn để có thể được chọn vào học ở một trường tốt. Câu chuyện “trường chuyên lớp chọn”, trường công – trường tư luôn là một vấn đề nóng bỏng làm đau đầu các bậc phụ huynh. Còn ở bên kia bán cầu, nước Anh xa xôi, chuyện trường học như thế nào, các loại hình trường học khác nhau ra sao? Public school, Private school, Grammar school có giống nhau không? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được English4ALL giải đáp thông qua chuyến tàu ngày hôm nay tới ga British Way: Tìm hiểu hệ thống trường học phổ thông của Anh. All aboard!

Giáo dục phổ thông ở Anh thường được chia thành hai giai đoạn riêng biệt. Giáo dục tiểu học (primary education) thường bắt đầu từ 5 tuổi đến 11 tuổi. Sau đó là giáo dục trung học (secondary education) từ 11 tuổi đến 16 tuổi, và có thể kéo dài tới 18 tuổi.

Các loại hình trường học chính ở Anh bao gồm

State School – Trường công lập, hoàn toàn miễn phí cho tất cả trẻ em từ 5 đến 16 tuổi.

Independent School: Trường độc lập-  (Private/Public Schools) do cha mẹ học sinh chi trả học phí

1. State Schools – Các trường công lập

93% trẻ em ở Anh và xứ Wales theo học tại các trường công lập (State schools). Các trường này là miễn phí, hoạt động dựa vào tiền thuế (taxes) và do các chính quyền địa phương (Local Authorities) tổ chức và quản lý.

Cha mẹ học sinh chỉ cần mua sắm cho con cái họ các đồ dùng học tập như bút, bút chì, thước kẻ…..ngoài ra, các chi phí về sách vở, lệ phí thi, và các khoản phí khác đều do nhà trường chi trả.

Tuy nhiên, cha mẹ học sinh cũng phải trả khoản tiền dành cho đồng phục (school uniform) và các trang phục thể thao (sports wear). Các lớp học nhạc và các lớp học dã ngoại (residential trips) cũng thu thêm phí. Các trường đôi khi đề nghị sự đóng góp tự nguyện dành cho các hoạt động của nhà trường, nhưng không có học sinh nào bị loại ra khỏi các hoạt động nếu như cha mẹ hoặc người giám hộ (guardian) của em đó không thể đóng góp.

Trường tiểu học -Primary schools (dành cho trẻ từ 5-11 tuổi)

Ở Anh, bậc học đầu tiên là bậc tiểu học. Thường là các trường học dành cho cả các em trai và các em gái, và trường ở gần nhà học sinh. Các em được chia thành các nhóm, và có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Cha mẹ học sinh được khuyến khích hỗ trợ con em mình, đặc biệt là môn đọc và viết; một lượng nhỏ bài tập về nhà được đặt ra cho tất cả học sinh, thậm chí ngay trong những năm học đầu tiên.

Trường trung học- Secondary schools (dành cho trẻ từ 11-16 tuổi)

Hầu hết trẻ em đến năm 11 tuổi, đều được chuyển sang một trường trung học gần nhất, mặc dù luật pháp cho phép cha mẹ học sinh được phép lựa chọn trường khác. Mỗi một học sinh khi chuyển cấp đều đã có sẵn chỗ của mình tại trường mới, trừ khi trường có quá nhiều học sinh đăng ký, thì sẽ xét tuyển theo mức độ ưu tiên cao nhất. Hầu hết các trường trung học đều dành cho cả hai giới, và lớn hơn so với trường tiểu học.

88% học sinh phổ thông ở Anh và xứ Wales học ở các trường phổ thông hỗn hợp (comprehensive schools). Các trường này tiếp nhận học sinh ở mọi trình độ và phổ cấp giáo dục phổ thông cho tất cả hoặc hầu hết trẻ em trong một quận từ 11 cho tới 16 hoặc 18 tuổi với nhiều chương trình học và thời gian học khác nhau.

Trái với tính chất đại trà của trường phổ thông hỗn hợp (comprehensive schools), các trường phổ thông trung học chuyên (Grammar Schools) lại tổ chức thi tuyển để lựa chọn học sinh, các trường này thường có định hướng chuyên biệt về học thuật (academically oriented), để học sinh sau này có thể học lên các bậc cao hơn (Đại học), mô hình này gần giống như mô hình trường chuyên tại Vietnam. Kỳ thi tuyển chọn năng lực dành cho học sinh 11 tuổi. Grammar school thường sẽ chia thành trường nam sinh và trường nữ sinh.

Sở dĩ có tên gọi là “Grammar school” không phải là vì trường này chỉ dạy môn ngữ pháp (grammar) mà vì thời trung cổ, đây là các trường dạy tiếng Latin. Theo thời gian, chương trình học (curriculum) được mở rộng, thêm vào các môn như tiếng Hi Lạp cổ (Ancient Greek), tiếng Anh, các ngôn ngữ châu Âu, khoa học tự nhiên (natural sciences), toán, lịch sử, địa lý, và các môn khác. Vào thời Victoria, các trường grammar school được tổ chức lại để giáo dục bậc phổ thông trung học trên toàn nước Anh và xứ Wales, Scotland phát triển một hệ thống trường khác. Một số trường grammar school ở Anh hiện nay còn có lịch sử từ trước thế kỉ 16, và họ vẫn giữ từ “grammar” trong tên trường như một niềm tự hào về truyền thống của nhà trường.

 

2. Independent Schools – Các trường học độc lập (Tư thục)

7% trẻ em ở Anh học ở các trường tư. Nhóm các trường này bao gồm private schools và public schools, tất cả đều thu học phí.

Public Schools (Trường dân lập)

Trường Eton- Một trong những public school nổi tiếng nhất tại Anh
Trường Eton- Một trong những public school nổi tiếng nhất tại Anh

Đây là những trường có lịch sử lâu đời và đã được thành lập từ nhiều thế kỉ trước. Các trường này học phí rất đắt đỏ và rất uy tín (prestigious). Một số trường rất khó để có thể vào học vì có sự cạnh tranh rất mạnh. Khi bạn nghĩ đến các trường học nổi tiếng ở Anh, có lẽ những trường đó đều là Public School cả. Những trường này thường không phải đóng thuế từ nguồn thu học phí vì có danh nghĩa từ thiện (charitable status). Sở dĩ gọi là “public” là vì nguyên thuỷ trường phổ cập giáo dục cho quần chúng (public) từ hàng thế kỉ trước, nhưng hiện nay đã đổi khác. Các trường này thường cấp các loại học bổng (scholarships and bursaries) để danh nghĩa từ thiện của mình.

Các trường dân lập nổi tiếng nhất tại Anh là Eton, Harrow và Winchester.

 Private Schools (Trường tư thục)

Các trường tư thục (Private School) không nổi tiếng bằng các trường dân lập (Public school). Tuy nhiên vẫn có cơ sở vật chất rất tốt và tiêu chuẩn học thuật cao. Các trường này thường khá dễ đi xin vào học thường không đòi hỏi CEE (Common Entrance Exams) – không cần phải thi. Học sinh không cần phải theo chương trình quốc gia (national curriculum). Tất cả các trường tư thục phải được đăng ký với chính phủ và được giám sát thường xuyên.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn