Next February I am gonna propose HIM! Hôn nhân và lễ cưới của Anh (Marriage and Weddings in UK)

Với bất kỳ một nền văn hóa nào, hôn nhân với sự khởi đầu bằng một lễ cưới luôn luôn là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Nếu như người Việt có những phong tục lâu đời và đậm nét Á Đông trong các nghi thức cưới xin, thì văn hóa Anh cũng sở hữu vô số những điều lý thú mà chúng ta thật không nên bỏ qua. Hãy cùng lên ngay chuyến tàu văn hóa hôm nay của English4ALL đến ga British Way để tìm hiểu đôi nét về chuyện cưới xin của người Anh nhé. All aboard!

Wedding Slangs

Trước đám cưới

Ở Anh, một cuộc hôn nhân luôn bắt đầu bằng màn cầu hôn (proposal of marriage hay proposal). Theo truyền thống, người đàn ông luôn là người phải quỳ xuống để ngỏ lời cầu hôn cùng với một chiếc nhẫn (an engagement ring) và một câu hỏi hết sức trang trọng “Will you marry me?” (Em sẽ lấy anh chứ?). Ở Anh, chiếc nhẫn đính hôn thường được nữ giới đeo ở ngón tay thứ ba trên bàn tay trái (ring finger).

Tuy nhiên, nếu như bạn là nữ giới, và chờ mãi đối tác không có “tín hiệu” gì, bạn hoàn toàn có thể chủ động “cầu hôn ngược” tuy nhiên chỉ vào một ngày duy nhất trong bốn năm: 29 tháng 2 của năm nhuận (leap year)

Trong khoảng thời gian, giữa lễ đính hôn (engagement) và lễ cưới (wedding), hai người sẽ gọi nhau là hôn phu – chồng chưa cưới (fiancé) và hôn thê – vợ chưa cưới(fiancée)

Khi đám cưới đã được định ngày, sẽ có một thông báo về hôn lễ (the banns of marriage hay gọi tắt là the banns) sẽ được treo ở nhà thờ địa phương (local parish church) hoặc văn phòng đăng ký kết hôn (register office) để báo cho tất cả mọi người biết về đám cướp sắp diễn ra. Mục đích của the banns là để nếu ai có vấn đề gì thắc mắc, có thể khiếu nại để kịp thời vô hiệu hóa đám cưới (trong trường hợp có vợ/chồng cũ chưa ly dị hoặc hôn nhân cùng huyết thống (kinship)

Ở Anh, một cuộc hôn nhân chỉ trở thành hợp pháp sau khi thông báo này được niêm yết và giấy đăng ký kết hôn (a marriage certificate) được cấp.

Thành phần lễ cưới

Ngoài hai nhân vật chính, cô dâu (bride) và chú rể (groom), đám cưới còn có rất nhiều người. Những công việc trong đám cưới thường do bạn bè thân thiết của cô dâu và chú rể đảm nhận, và được đề nghị giúp những việc này là một điều vinh hạnh to lớn.

Để giúp cho cặp đôi, có người mang nhẫn (Ringbearer) thường là một cậu bé làm nhiệm vụ giữ cặp nhẫn cưới (wedding rings). Và Ushers là những người giúp việc tổ chức đám cưới, thường là nam giới.

Giúp việc riêng cho chú rể, có phù rể (bestman) – một người bạn nam thân thiết hay họ hàng của chú rể sẽ nhận vinh dự này, và còn có nhiều người giúp việc khác nữa, gọi là groomsmen.

Về phía cô dâu, phù dâu (maid of honour) cũng thường là bạn thân hoặc họ hàng của cô dâu. Nếu cô phù dâu này đã kết hôn, sẽ gọi là “matron of honour”. Ngoài ra còn có những phù dâu “phụ” gọi là bridemaids. Cha của cô dâu (Father of the Bride) – là nhân vật mang tính biểu tượng làm nhiệm vụ “trao” cô dâu cho chú rể. Nếu như cha đẻ của cô dâu không may đã qua đời, thì một người họ hàng là nam giới, thường là chú ruột hoặc anh trai sẽ nhận sứ mệnh này.

Ngoài ra còn có “flower girl– một em bé gái sẽ rải hoa (scatter flower) trước bữa tiệc cưới, đôi khi còn có các “junior bridemaids” – phù dâu “nhí”là các cô gái từ 8-16 tuổi giúp việc cho cô dâu.

Page boy và Flower girl
Page boy và Flower girl

Khách mời dự đám cưới (wedding guests) thường được gửi giấy mời trong đó có yêu cầu hồi âm (rsvp). Họ thường được mời tới dự lễ cưới (wedding) và tiệc cưới (wedding reception) diễn ra sau đó, mặc dù đôi khi tiệc cưới mời rất hạn chế. Sẽ có những người chắc chắn phải được mời theo nghĩa vụ gia đình (family obligations) và do đó, nếu như không được mời – họ sẽ coi đó như một sự xúc phạm (an insult).

Lễ cưới.

Ngày cưới thường được ca tụng như “ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời cô dâu”( không thấy nhắc đến chú rể, nên những ai đã có vợ nên tự hiểu), những thực sự đó là một trải nghiệm khá căng thẳng khi có quá nhiều việc phải lo lắng, và luôn phải cố gắng để làm vui lòng tất cả mọi người. Đó cũng là một bài test đầu tiên cho sức chịu đựng (fortitude) của cặp đôi

Khi khác tới dự lễ cưới, ushers sẽ làm nhiệm vụ phát hoa và lịch trình của buổi lễ, và đưa họ về đúng chỗ. Theo truyền thống, nhà trai và nhà gái sẽ ngồi theo hai dãy riêng. Những hàng ghế đầu thường dành cho gia đình và bạn bè thân thiết.

Chú rể và người phù rể sẽ đợi cô dâu và tùy tùng (entourage) phía trong nhà thờ. Đoàn của cô dâu bao gồm cô dâu, cha cô dâu, phù dâu chính và các phù dâu phụ, các em bé (flower girl và page boy), thường đi đến trong những chiếc xe đẹp hoặc xe ngựa kéo. Nhiệm vụ của page boy là mang nhẫn cưới trên một chiếc gối (cushion)

Người dẫn chỗ (usher) và các phù rể phụ lần lượt đưa ông bà, mẹ cô dâu, mẹ chú rể về chỗ ngồi.

Các phù dâu phụ (bridemaids) tiến vào, cùng với các phù rể phụ (groomsmen)

Kế đến là phù dâu (maid/matron of honour) cùng với phù rễ (best man) tiến vào nhà thờ. Theo sau là em bé giữ nhẫn (page boy/ringbearer) – em bé rắc hoa (the flower girl) tiến vào.

Cuối cùng là cô dâu dưới sự hộ tống của cha mình sẽ đi vào sau cùng trong tiếng nhạc đệm (thường là “Here comes the bride”) và buổi lễ chính thức bắt đầu.

Trong buổi lễ, cô dâu và chú rể sẽ có những lời thề hôn phối (marriage vows). Theo văn hóa phương Tây, những lời hứa giữa cô dâu và chú rể thường bao gồm những ý niệm về tình yêu thương (affection –love,comfort, keep), sự thủy chung (forsaking all others), vô điều kiện (for richer or poorer, in sickness and in health) và sự lâu bền (“as long as we both shall live” –“until death do us part”). Phần lớn các đám cưới sử dụng các lời thề theo nghi lễ tôn giáo, nhưng ngày nay, ở Anh, nhiều cặp đôi sử dụng những bài thơ tình rất xúc động hoặc lời bài hát từ một bản tình ca nào đó, thậm chí tự viết lời thề riêng cho mình hơn là dựa vào những chuẩn mực cũ.

Sau khi thề ước, cặp đôi sẽ trao nhẫn cho nhau. Nhẫn cưới thường là nhẫn vàng trơn và đeo vào ngón đeo nhẫn  (ring finger) vì người ta tin rằng ở ngón tay đó có mạch máu (vein) dẫn thẳng đến tim.

Sau phần nghi lễ, cô dâu, chú rể, và viên chức đăng ký, cùng hai nhân chứng (witnesses) sẽ sang một phòng bên cạnh để ký giấy đăng ký kết hôn – đây là bước bắt buộc để hợp thức hóa hôn nhân.

Sau đó, khách mời sẽ tung cánh hoa (flower petals), pháo giấy (confetti), và gạo vào cặp đôi mới cưới (newly-married) để chúc phúc.

Cô dâu sẽ đứng quay lưng lại với khách mời và ném bó hoa cưới (bouquet) qua đầu. Ai bắt được bó hoa đó sẽ là người kế tiếp thành hôn.

Ai là người bắt được bó hoa này sẽ là người tiếp theo thành hôn
Ai là người bắt được bó hoa này sẽ là người tiếp theo thành hôn

Cuối cùng, một buổi chụp hình sẽ diễn ra ngay trước khi cặp đôi rời nhà thờ, mọi người sẽ cùng đứng chung để chụp ảnh.

Ngày nào đẹp để làm đám cưới?

Người Việt thường có thầy bói, thầy cúng để xem ngày tổ chức đám cưới. Người Anh thì kém may mắn hơn, họ chỉ có một bài thơ như thế này

Monday for wealth,
Tuesday for health,
Wednesday the best day of all.
Thursday for losses,
Friday for crosses,
Saturday for no luck at all
.

Đại ý là cưới vào nửa đầu tuần và đặc biệt là vào ngày thứ Tư là đẹp nhất, tuy nhiên, người Anh hiện đại vì quá bận rộn trong tuần nên cứ thứ bảy là tổ chức đám cưới – đó là lý do vì sao tỉ lệ ly hôn tăng vọt.

 

Trang phục đám cưới

Trang phục của cô dâu phương Tây thường là váy cưới màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết (purity) có từ thời Victoria. Trước đó, các cô dâu còn mang mạng che mặt (veil) để xua đuổi tà ý. Và thường cô dâu sẽ mặc như thế này:

“Something old,
Something new,
Something borrowed,
Something blue.”

Thường cô dâu sẽ mang một món trang sức hồi môn (an heirloom) hoặc một cuốn kinh thánh của gia đình, váy cưới chắc chắn là váy mới, kèm theo một món đồ mượn của ai đó, đeo một dải băng xanh (blue). Nếu cô dâu lúng túng không biết chọn đồ như thế nào để mặc, thì cũng không sao, đã có bài thơ này.

 “Married in white, you will have chosen all right. 
Married in grey, you will go far away.
Married in black, you will wish yourself back.
Married in red, you’ll wish yourself dead.
Married in blue, you will always be true.
Married in pearl, you’ll live in a whirl.
Married in green, ashamed to be seen,
Married in yellow, ashamed of the fellow.
Married in brown, you’ll live out of town.
Married in pink, your spirits will sink.”

Và nếu cô dâu chọn váy màu trắng cho đám cưới của mình thì giá trung bình cho một bộ váy cưới là £826.

Ngày xưa, thời Trung Cổ, các phù dâu mặc y như cô dâu để làm cho rối trí những ma quỷ muốn làm hại cô dâu. Nhưng ngày nay thì không cô dâu nào muốn mình bị mờ nhạt trong ngày trọng đại này.

Tiệc cưới

Sau lễ cưới, là phần tiệc cưới với một số bài phát biểu và lời chúc tụng dành cho cặp đôi. Bất kỳ một điệu nhảy nào cũng đều do cô dâu và chú rể mở đầu, thường gọi là “Bridal Waltz”, gọi là như vậy nhưng hiếm khi người ta nhảy điệu waltz. Theo truyền thống, sẽ có một màn nhảy giữa cô dâu và cha mình, trong đó thỉnh thoảng chú rể xen vào nhảy cùng cô dâu, tượng trưng cho việc cô dâu từ biệt cha về nhà chồng.

Bridal Waltz

Trong tiệc cưới, sẽ có một chiếc bánh cưới (wedding cake) rất đẹp, thường là bánh trái cây với tầng trên cùng có hình cô dâu chú rể. Để lấy may, cô dâu chú rể cần phải cùng nhau cắt bánh, điều này tượng trưng cho sự chung sức chung lòng của họ trong cuộc sống sau này. Một tầng của chiếc bánh sẽ được giữ lại để ăn vào dịp 1 năm kỉ niệm ngày cưới hoặc ăn vào lễ rửa tội đứa con đầu lòng. Những ai không đi dự đám cưới, sẽ được gửi  cho một miếng bánh bỏ trong hộp nhỏ (a memento)

Người ta có một điều mê tín rằng, nếu khách nào đi dự đám cưới mà đang FA- còn độc thân, hãy mang miếng bánh đó về để dưới gối, sẽ tăng cơ hội tìm được người bạn đời nhanh hơn.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn

Đám cưới Hoàng Gia Anh của Hoàng thái tử William và cô Kate Middleton năm 2011

 

 

Comments are closed.