Boycotting Chinese goods is patriotic!!! Nguồn gốc từ Boycott (Tẩy chay)

Bạn có tin rằng trong tiếng Anh tên của một người có thể trở thành một động từ và  lan truyền hết từ châu lục này sang châu lục khác không? Thật đấy, và Boycott – là ví dụ điển hình cho điều đó. Tuy nhiên, chắc là sẽ có ít người muốn tên mình được trở thành một từ chung như ông Boycott trong câu chuyện của English4ALL ngày hôm nay. Hãy lên ngay chuyến tàu đầu tuần tới để cùng English4ALL tìm hiểu vì sao hành động tẩy chay lại được gọi là Boycott nhé!

Boycott – Ông là ai?

Đại úy Charles Boycott
Đại úy Charles Boycott

Từ boycott được ra đời từ tên của một người Anh ở thế kỉ 19, Đại úy Charles C. Boycott (thật ra họ của ông là Boycatt, nhưng năm lên 9 tuổi thì gia đình đổi lại). Và cái tên này đã trở thành định mệnh đối với ông khi đi vào lịch sử tiếng Anh như một từ không ai mong muốn gặp phải.

.Trước thời ông Boycott bị tẩy chay (boycotted), ở Ailen (Ireland) chỉ có tới 2% dân số sở hữu toàn bộ đất đai của cả nước. Hầu hết chủ đất không sống ở Ai-len nhưng cho nông dân thuê đất theo hợp đồng một năm (one-year lease).

Năm 1880, ông đại úy Boycott, lúc bây giờ đã nghỉ hưu, và làm người quản lý đồn điền thuê cho Bá tước thứ ba của vùng Erne (Earl of Erne), John Crichton. Mùa màng năm đó không được thuận lợi lắm, nên để nhượng bộ với những nông dân thuê đất, ông giảm tiền thuê 10%, nhưng họ không đồng ý, đòi giảm 25%, nhưng ông Bá tước chủ đất lại không chịu. Và cuối cùng có 11 người thuê đất không đóng tiền thuê.

Chỉ 3 ngày sau, ông Boycott bắt đầu gửi thông báo trục xuất những người không đóng tiền, và cho cảnh sát (Constabulary) xuống để làm việc này. Và mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ.

Khi nông dân biết được thông báo trục xuất đang được phát ra, phụ nữ trong vùng đáp đủ các thứ từ đá (rock) và phân (manure) vào những người tới chuyển thông báo, cuối cùng cảnh sát bỏ đi mà không thể thông báo tới tất cả các chủ hộ gia đình (head of the households) và như thế, theo luật, sẽ không ai phải rời khỏi nhà của mình.

Sau đó, đám đông quyết định trừng phạt lại Boycott và những ai làm việc cho ông ta. Chẳng mấy chốc, đám công nhân làm thuê cho Boycott bỏ việc và còn rủ cả những người khác bỏ theo.

Cuối cùng, Boycott ở một mình trong một điền sản lớn, không còn ai làm thuê cho ông ta để thu hoạch vụ mùa. Các doanh nghiệp khác cũng hết muốn làm ăn với Boycott nữa, ông ta không thể mua được đồ ăn thức uống ở trong vùng, đi sang vùng khác mua cũng khó khăn vì các lái  xe, các chủ tàu, và ngay cả những người đưa thư cũng không muốn làm việc với ông.

Đến cuối tháng 11, Boycott buộc phải bỏ cả nhà cửa, chạy trốn về thủ đô Dublin. Thậm chí ở đó, ông cũng vấp phải thái độ thù nghịch (hostility) và các cơ sở kinh doanh nào (nhà hàng, khách sạn) mà đón tiếp ông ta cũng bị dọa tẩy chay. (boycotted)

Kể từ đó, phong trào “boycotting” (tẩy chay) lan rộng và làm cho các doanh nghiệp phải khiếp sợ. Năm 1888, 8 năm sau khi ông Boycott bị tẩy chay, từ này chính thức được ghi nhận vào từ điển New English Dictionary on Historical Principles – tiền thân của Oxford English Dictionary ngày nay.

Từ này lan sang các ngôn ngữ châu Âu khác và nhanh chóng sang tới tận châu Mỹ, khi đại úy Boycott sang thăm bạn bè ở bang Virginia bằng một cái tên giả là “Charles Cunningham”. Nhọ một nỗi, đám lều báo phát hiện ra chuyến đi của ông và còn công bố “lý lịch” của ông, và từ đó boycott du nhập vào tiếng Anh Mỹ. Và cứ thế, theo như lời của tác giả người Ai Len George Moore “Động từ boycott xuất hiện như sao chổi” (‘Like a comet the verb ‘boycott’ appeared.)

 

Một biển hiệu Boycott hàng trung quốc ở Philipines
Một biển hiệu Boycott hàng trung quốc ở Philipines

Bạn có biết?

  • Thực ra thì năm đầu tiên bị tẩy chay, chàng Boycott vẫn thu hoạch được mùa màng bằng cách tuyển ngay 50 công nhân từ vùng khác đến để làm việc. Tuy nhiên, dân địa phương ở đó không dễ gì bỏ qua, chính phủ phải vào cuộc và gửi ngay 1000 quân lính hộ tống và bảo vệ đám công nhân này khi họ làm việc. Điều này khiến chính phủ Anh phải chi tới £10,000, còn mùa màng trị giá bao nhiêu? £500.
  • Không chỉ có boycott, mà còn có cả girlcott nữa. Từ girlcott do ngôi sao trên đường chạy người Lacey O’Neal sáng tạo ra để nói về sự tẩy chay nữ giới (female boycott) của các nam vận động viên  người Mỹ gốc Phi tại Thế vận hội mùa hè ở Mexico năm 1968.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn