10 Interesting Facts and Figures about London Taxis You Might Not Have Known 10 Điều thú vị về những chiếc Taxis ở London- có thể bạn chưa biết?

Làn sóng Uber đang gây chao đảo ngành công nghiệp Taxi ở Vietnam cũng như nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng ở London, Uber chắc chắn sẽ khó có thể đọ sức được với những chiếc taxi đen trông có vẻ cổ kính mà người dân thường quen gọi là London Black Cab. Là một trong những biểu tượng sống động và điển hình nhất của thành phố London, những chiếc taxi đen ngày ngày vẫn vi vu trên phố như những sứ giả văn hoá độc nhất vô nhị. Không đơn giản là phương tiện đi lại, London Black Cab còn ẩn chứa rất nhiều những câu chuyện thú vị mà có khi ngay cả chính người London cũng chưa biết. Hôm nay chuyến tàu của English For ALL sẽ đưa bạn tới Ga British Way để tìm hiểu xem những “con bọ hung đen” này của London có gì đặc biệt nhé! All aboard!

*. Ở London, có hai loại taxi, loại taxi được đề cập tới trong bài viết này là London Black Cab là loại taxi truyền thống, có giá thành cao hơn so với một loại taxi khác là minicab – loại taxi của các hãng nhỏ có giá rẻ hơn và được thông báo cho hành khách trước khi bắt đầu lộ trình.

 1. The Knowledge – Hiểu biết đáng nể!!!!!

Khác với ở Vietnam, bạn chỉ cần một bằng lái xe hơi và là nhân viên của một hãng taxi, bạn đã trở thành một tài xế taxi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để trở thành một tài xế taxi ở London, hoàn toàn không đơn giản như vậy. Điều quan trọng nhất để trở thành một tài xế taxi London đó là “The Knowledge” – một bài kiểm tra mà tất cả các tài xế taxi phải vượt qua trước khi nhận được giấy phép (license) hành nghề. Nếu muốn trở thành tài xế taxi chuyên nghiệp và rong ruổi trên những chiếc black cab khắp phố phường London, họ phải mất từ 2-4 năm để học thuộc và nắm vững 320 tuyến đường (routes) ở London trong bán kính (radius) 6 dặm (6 miles – tương đương 10km) tính từ Charing Cross – tâm điểm của London, nơi có quảng trường Trafagar Square đã được đề cập tới trong bài viết thứ Sáu tuần trước của English4ALL. Tương đương với 25.000 tên phố và 20.000 tên của các toà nhà, công trình (landmarks). Chỉ những tài xế vượt qua bài thi này mới được cấp thẻ xanh (green badge), còn có một loại thẻ khác là thẻ vàng (yellow badge) dành cho một phạm vi nhỏ hơn dành cho vùng phụ cận (suburban area) của London, và không được khu vực của những tài xế có thẻ xanh. Bạn có thể tin rằng, những tài xế taxi London chính là những bách khoa toàn thư di động – bản đồ sống về London, chỉ cần vẫy xe và nói với tài xế điểm bạn cần đến, chỉ cần là một cái tên trong phạm vi 10km trong khu vực trung tâm London, họ sẽ ngay lập tức biết sẽ phải đưa bạn đi đâu mà không tốn đến 1s để tìm đường.

Green Badge

 2. Đa màu sắc

Mặc dù màu đen là màu truyền thống và phổ biến nhất của taxi London, nhưng đó không phải là màu bắt buộc, chúng có thể mang màu xanh, màu vàng, màu đỏ hay bất cứ màu gì, nhưng chủ yếu màu đen là đông đảo hơn cả.

 London Taxi

3. Mỗi một chiếc taxi là một “công ty” di động

Khác với các loại hình taxi khác hoạt động theo hãng và có chung một công ty quản lý, gần 21.000 chiếc taxi “đen” ở London là 21.000 “công ty” di động. Nói cách khác, mỗi người tài xế đồng thời là chủ nhân của chiếc xe và là một doanh nghiệp hoàn toàn độc lập. Bước lên một chiếc taxi cũng giống như bạn bước vào một cửa hàng.

4. Tiền thân của những chiếc taxi đen ngày này là gì vậy? Đó là những chiếc xe ngựa.

Giấy phép taxi đầu tiên ở London được cấp năm 1639 cho Corporation of Coachmen. Hackney carriages, hãng xe ngựa kéo mà sau này trở thành hãng Hansom Cabs năm 1834. Những chiếc xe hơi taxi thực thụ có mặt ở London vào khoảng 1908 và đến những năm 1920 đã thay thế những chiếc xe ngựa kéo hai bánh (hansom cabs) trở thành phương tiện taxi chủ yếu.

 London hansom cab

5. Muốn lái London cab, phải CAO!!!

Theo luật, những chiếc taxi London phải có chiều cao đủ để hành khách ngồi thoải mái trong vẫn đội chiếc mũ bowler của người Anh. Thêm vào đó, đã có thời, các tài xế taxi xe ngựa (hackney carriages) bắt buộc phải mang theo một bó cỏ khô (hay) cho ngựa ăn. Điều luật này thậm chí còn được giữ cho tới cả sau khi có những chiếc taxi cơ giới đầu tiên hoạt động.

10 Interesting Facts and Figures about London Taxis  10 Điều thú vị về những chiếc Taxis ở London- có thể bạn chưa biết? www.english4all.vn

6. Vòng cua ấn tượng.

Những chiếc taxi đen chỉ cần vòng cua quay đầu (a turning circle) khoảng 25 feet (gần 8m). Điều này cho phép xe có thể luồn lách vào mọi ngóc ngách của thành phố London, và đủ đi vào lối vào nhỏ của khách sạn Savoy Hotel. Đây đã trở thành yêu cầu bất buộc của mọi xe taxi London.Savoy Court cũng là một trong những địa điểm duy nhất ở London mà các phương tiện đi phía bên phải.

7. Muốn gọi xe, đừng hét!

Bạn sẽ trái luật nếu như hét to lên “Taxi” để thu hút sự chú ý của tài xế. Nếu bạn thấy một chiếc xe taxi sáng đèn, chỉ cần giơ tay để báo hiệu cho tài xế.

 London Black Cab 2

8. Taxi là gì?

Từ taxi bắt nguồn từ taximeter – đây là thiết bị tính đường đi và thành tiền được gắn trong các xe taxi. “Cab” là viết tắt của cabriolet- một động từ tiếng Pháp nghĩa là “nhảy” (to leap) – cũng là một loại taxi mà người ta thường nhảy ra khỏi xe khi kết thúc hành trình.

9. Nhà vệ sinh của xe ở đâu???

Đến bây giờ người ta vẫn không biết đây là chuyện có thật hay đùa nhưng người ta thường dẫn điều luật Town Police Clauses Act năm 1847 cho phép một người có thể được phép “tè” vào phía bánh xe bên trái phía sau của một chiếc taxi, miễn là tay phải của tài xế vẫn đang chạm vào chiếc xe.

10. Bị bệnh thì đừng đi taxi!

Đã có thời cũng là trái luật (illegal) nếu như một ai đó bắt taxi trong khi đang bị bệnh dịch hạch (bubonic plague). Điều này hiện nay vẫn đúng một phần, vì theo luật Y tế Công Cộng (Public Health (Control of Disease) Act of 1984) yêu cầu người đang bị bệnh dịch (a notifiable disease) phải thông báo cho tài xế biết để họ quyết định có chở khách hay không. Nếu tài xế quyết định nhận khách, anh ta sẽ phải thông báo cho nhà chức trách và khử trùng (disinfect) chiếc xe trước khi được đón khách tiếp theo.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn

WHAT ARE THE FLORAL EMBLEMS OF BRITAIN? – Quốc hoa của Vương Quốc Anh là gì?

Nếu như người Nhật có hoa anh đào, người Lào có hoa đại (champa) và người Việt luôn tự hào về những bông hoa sen thanh khiết và tươi đẹp – là loài hoa tượng trưng cho dân tộc và văn hóa Việt Nam, được coi là quốc hoa của cả nước thì người dân Anh lại chưa thể thống nhất lựa chọn được một loài hoa duy nhất để làm quốc hoa cho cả Vương quốc của họ. Tuy nhiên, từng nước thành viên đều chọn những loài hoa rất đẹp để làm quốc hoa riêng cho đất nước của mình. Những loài hoa đó là gì? Hãy cùng English4ALL tới ga British Way thứ sáu hàng tuần để cùng trả lời câu hỏi đó nhé. All aboard!

Mặc dù không có một quốc hoa (floral emblem) thống nhất cho cả vương quốc, nhưng mỗi nước thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len (The United Kingdom) đều có vị thánh bảo trợ (patron saint) và quốc hoa riêng của họ.

 1. Nước Anh (England) – Thánh George và Hoa Hồng

Vị thánh bảo trợ của nước Anh là Thánh George và quốc hoa của Anh là hoa hồng (rose), chính xác là hoa hồng Tudor (Tudor Rose – như trong hình). Không phải tự nhiên loài hoa này được lựa chọn là quốc hoa của nước Anh (England). Đó là kết quả từ những cuộc nội chiến (civil war) – được gọi là Cuộc chiến của các loài hoa hồng (Wars of the Roses) diễn ra từ 1455 đến 1485 giữa phe quý tộc Lancaster (biểu tượng là hoa hồng đỏ) và phe quý tộc York (biểu tượng là hoa hồng trắng).

Quốc hoa của Anh (England) là hoa hồng Tudor (Tudor Rose)
Quốc hoa của Anh (England) là hoa hồng Tudor (Tudor Rose)

2. Xứ Scot-len (Scotland )- Thánh Andrew và hoa Kế and Scottish Bluebell

Vị thánh bảo trợ của xứ Scotland là Thánh Andrew và quốc hoa của Scotland là hoa kế (thistle). Đây là một loại hoa mầu tím, họ cúc gai được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỉ 15 như một biểu tượng quốc phòng .Hoa chuông xanh Scotland (Scottish bluebell) cũng được coi là một loài hoa khác biểu tượng cho Scotland.

thistle
Hoa kế (Thistle) là quốc hoa của Scotland
Hoa chuông xanh cũng là một loài hoa biểu tượng khác của Scotland.
Hoa chuông xanh cũng là một loài hoa biểu tượng khác của Scotland.

3. Xứ Wales – Thánh David và hoa thủy tiên vàng (Daffodil)

Thánh bảo trợ của xứ Wales là thánh David và quốc hoa của Wales là hoa thủy tiên vàng (daffodil) thường được đeo trong ngày lễ thánh David. Cây tỏi tây (leek) cũng được coi là một biểu tượng truyền thống của Wales.

Có nhiều cách giải thích vì sao cây tỏi tây lại trở thành biểu tượng của xứ Wales. Một trong số đó là việc Thánh David đã dạy người Welsh đeo cây tỏi tây lên mũ để phân biệt địch ta (friends from foe) trong trận chiến ban đêm với người Saxons.

Hoa thủy tiên vàng (Daffodils) là quốc hoa của xứ Wales
Hoa thủy tiên vàng (Daffodils) là quốc hoa của xứ Wales

Không chỉ là một thứ gia vị quan trọng trong nhà bếp, cây tỏi tây (leek) còn được coi là một trong những biểu tượng của xứ Wales.
Không chỉ là một thứ gia vị quan trọng trong nhà bếp, cây tỏi tây (leek) còn được coi là một trong những biểu tượng của xứ Wales.

4. Bắc Ai Len (Northern Ireland)  – Thánh Patrick và cây lá chụm ba (Shamrock)

Người Bắc Ai Len coi cây lá chụm ba (shamrock) này là quốc hoa để nhớ tới vị thánh bảo hộ của họ là thánh Patrick
Người Bắc Ai Len coi cây lá chụm ba (shamrock) này là quốc hoa để nhớ tới vị thánh bảo hộ của họ là thánh Patrick

Thánh bảo trợ của miền đất Bắc Ai Len là thánh Patrick và quốc hoa là cây lá chụm ba, gần giống như cỏ ba lá (clover). Truyền thuyết Ai Len (Irish tale) kể rằng thánh Patrick đã dùng cây lá chụm ba (shamrock) để giải thích về Chúa Ba Ngôi. Ngài đã dùng nó trong những buổi thuyết giáo (sermons) của mình để minh họa vì sao Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (the Father, the Son, and the Holy Spirit ) có thể tồn tại riêng biệt trong cùng một thực thể ( entity). Các tín đồ (followers) từ đó có tập tục đeo cây lá chụm ba vào ngày lễ thánh Patrick.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn